Duong Do – CEO Saigon Yacht & Marina: Catamaran là tương lai của du thuyền đô thị
Chiếc du thuyền đầu tiên trong đời quan trọng ra sao? Bến du thuyền ở Việt Nam phải như thế nào mới đạt chuẩn quốc tế? Dòng du thuyền nào phù hợp với địa hình sông ngòi tại Việt Nam? Tiềm năng kinh tế sau khi sở hữu du thuyền là gì? Mời bạn khám phá qua những chia sẻ thẳng thắn và chân thành của anh Đỗ Bình Dương – CEO của Saigon Yacht & Marina. Anh cho rằng, catamaran là tương lai của du thuyền đô thị.
Đam mê là điều tiên quyết
Đam mê là điều anh Đỗ Bình Dương – nhà sáng lập và điều hành Saigon Yacht and Marina (SYMC) không thiếu. Nếu có dịp tiếp xúc với anh, một người có kinh nghiệm 15 năm trong ngành hàng hải và đóng tàu. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được nguồn nhiệt huyết luôn âm ỉ qua từng lời nói giàu cảm xúc, ánh mắt kiên định. Và cả vốn sống gắn liền với những chiếc thuyền mà anh xem như tri kỷ.
Anh luôn ấp ủ những chiến lược và những hoạch định. Không chỉ đóng góp giá trị thiết thực cho cộng đồng du thuyền trong nước. Mà sâu xa hơn là bức tranh toàn cảnh đưa Việt Nam thành điểm đến của ngành công nghiệp du lịch du thuyền thế giới. Anh đã có những chia sẻ chân thành với Luxuo về công việc của mình.
Anh còn nhớ trải nghiệm đầu tiên của mình với du thuyền?
Trải nghiệm đầu tiên của tôi với du thuyền là từ hơn 20 năm trước, khi tôi đang là sinh viên tại Seattle. Khi ấy bố tôi có một người bạn sinh sống tại Port Angeles. Đó là một trong những thủ phủ thuyền buồm của thế giới. Chúng tôi đến thăm bác ấy vào năm 1998. Ông là một người rất mê thuyền, từng tham gia sự kiện Vịnh Bắc bộ và làm trong Tuần duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard).
Hôm đó, chúng tôi đến khu bến đỗ John Wayne Marina. Là một địa điểm danh tiếng thu hút đông đảo người chơi thuyền sang trọng ngày nay. Khi đêm xuống, chúng tôi ngủ trên chiếc tàu của bác. Điều khiến tôi mãi không quên được chính là cảm giác bồng bềnh, êm đềm trên tàu. Để rồi sáng sớm hôm sau, làm một ly cà phê, ngồi trước mũi thuyền. Tôi đắm mình vào khung cảnh bao quanh là núi, cây xanh, hướng tầm nhìn ra đảo trên biển và xa hơn là biên giới Canada. Đó là trải nghiệm tuyệt vời, mãi in đậm trong ký ức của tôi.
Ý tưởng sáng lập Saigon Yacht & Marina (SYMC) đến từ đâu?
Đơn giản là tôi tiếp nối và phát triển trên nền tảng của công ty SAMASER Holdings được thành lập từ năm 1986. Chuyên về các thiết bị, dịch vụ cho ngành hàng hải, dầu khí. Đặc biệt là các tàu lớn và tàu thương mại. Thế nên về mặt kỹ thuật thì tôi cũng biết “sơ sơ” về tàu thuyền (cười). Nhưng ngành du thuyền lại khá đặc thù, bạn không chỉ cần am hiểu về kỹ thuật. Nó còn phải biết cách tạo dựng thương hiệu, tường tận lĩnh vực hàng cao cấp. Và mang lại trải nghiệm phong cách sống cho khách hàng.
Chính nhờ kinh nghiệm về kỹ thuật. Nắm bắt được tiềm năng của thị trường du thuyền trong nước và quốc tế. Cùng với đam mê nuôi dưỡng giấc mơ thời trẻ của tôi. Tất cả là động lực và nền tảng để cho ra đời Saigon Yacht and Marina.
Chúng tôi muốn tạo dựng ý niệm rằng du thuyền không phải chỉ dành cho đại gia, mà là thứ tất cả mọi người đều có thể cùng trải nghiệm.
Tầm nhìn và định hướng của SYMC tại Việt Nam là gì?
Chúng tôi hướng tới những người sở hữu chiếc du thuyền đầu tiên trong đời. Tôi quan niệm chiếc du thuyền đầu tiên rất quan trọng. Ví như khi một người có đủ tiềm lực tài chính tìm mua chiếc xe hơi đầu tiên. Họ không hẳn sẽ hướng đến những thương hiệu siêu sang như Ferrari hay Porsche, mà sẽ đi Mercedes-Benz, BMW, Lexus… Tương tự, với chiếc du thuyền đầu tiên. Bạn phải dần dần làm quen, hiểu rõ, và trải nghiệm đúng cách. Như vậy thì mới tạo nền tảng vững chắc để dần nâng cấp lên các dòng đẳng cấp hơn.
Điều quan trọng không kém chính là kiến tạo trải nghiệm hoàn thiện cho khách hàng. Du thuyền là nơi để ta gắn bó với bạn bè, gia đình, là nơi kỷ niệm được khắc ghi. Vì thế, slogan của chúng tôi là “Dream – Explore – Memories Built”. Nghĩa là ta phải mơ ước, trải nghiệm, và sau đó tạo dựng những ký ức đẹp với chiếc du thuyền là phương tiện trung gian.
Bên cạnh đó, chúng tôi muốn tạo dựng ý niệm rằng du thuyền không phải chỉ dành cho đại gia. Mà là thứ tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm. Tàu thuyền có rất nhiều loại, từ loại rất bình thường cho đến siêu du thuyền. Những ai hạn chế về kinh phí có thể sử dụng những con xuồng bilge nhỏ. Cao cấp hơn thì có những chiếc daysailer. Và hơn nữa là du thuyền hai thân. Và khách hàng không nhất thiết phải mua, họ có thể thuê, hoặc đồng sở hữu thuyền cùng 3-4 người bạn.
Được biết công ty tập trung vào dòng thuyền hai thân catamaran. Anh có thể chia sẻ đôi chút về điều này?
Các tàu thuyền một thân ta thường thấy gọi là monohull. Còn Catamaran là tàu hai thân, giống như hai chiếc xe hơi ghép vào nhau. Vậy nên sẽ có nhiều không gian rộng rãi và tiện nghi hơn tàu một thân.
Khởi điểm của tàu một thân được xem là thuyền đua nên thường được chú trọng vào khả năng vận hành, đặc biệt là tốc độ. Ngày nay, người ta bắt đầu quan tâm hơn về trải nghiệm trên tàu với không gian và nội thất tiện nghi hơn là chạy đua trên sóng. Đó là điểm khiến tàu hai thân thể hiện tính năng vượt trội.
Một điểm khác biệt nữa là tàu hai thân có mớn nước thấp và không gian hoạt động rộng rãi, thoáng đãng. Đặc biệt là chạy ổn định dù đi qua vùng biển động. Điều này sẽ giúp hành khách thoải mái hơn. Quan trọng là khắc phục được cảm giác say sóng mà đa phần người Việt e ngại khi đi tàu.
Theo tôi, Catamaran sẽ là tương lai của ngành du thuyền Việt Nam và thế giới.
Tiếp đến, tàu một thân hoặc tàu buồm (sailing yacht) sẽ không thể len lỏi vào vùng đô thị nhiều cầu bắc qua sông như TP. HCM. Đa phần các cây cầu của chúng ta có độ tĩnh không rất thấp, trung bình là dưới 5 mét. Nhưng đặc thù của tàu hai thân chạy máy thủy (power catamaran), có độ tĩnh không rơi vào tầm dưới 4 mét rưỡi. Nhờ đó tàu có thể ra vào quận 7 rất dễ dàng. Đó là lý do tại sao catamaran là tương lai của du thuyền đô thị.
Ngoài ra, ta cũng biết đặc điểm mớn nước sông ngòi, bãi biển ở Việt Nam thường rất thấp. Thường rơi vào tầm nửa mét đến 60 cm nên bến đậu tàu thông thường khá xa bờ. Hành khách phải chuyển tiếp bằng cano hay xuồng phao. Nhưng tàu hai thân có thể thoải mái cập sát thậm chí leo thẳng lên bờ. Hành khách có thể dễ dàng bước lên du thuyền hai thân mà không ngại ướt quần áo hay té ngã.
Đó có phải là lý do SYMC trở thành đại diện chính thức của thương hiệu Aquila tại Việt Nam?
Chính xác. Aquila thực ra là một thương hiệu hoàn toàn mới so với những tên tuổi lớn trong ngành. Họ trực thuộc MarineMax. Đó là tập đoàn lớn nhất trên thế giới về kinh doanh, đóng, bảo dưỡng và cho thuê du thuyền. Có niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Vì thị trường thế giới đang dần chuyển qua mô hình charter. Tức cho thuê tàu đã qua sở hữu, với chi phí quản lý, vận hành. Và lợi nhuận được san sẻ giữa hai bên. Nên MarineMax nhận thấy chưa có chiếc du thuyền nào đáp ứng và cân bằng tuyệt đối được giữa trải nghiệm riêng tư lẫn cho thuê sự kiện đông người.
Đó là bối cảnh Aquila ra đời cách nay 6 năm. Và nhanh chóng trở thành hãng du thuyền bán chạy và thành công nhất trên thế giới. Nhà máy đóng tàu của họ rộng gấp 4-5 lần một thương hiệu bình thường. Nếu như thời gian trung bình để giao tàu của các hãng khác thường rơi vào tầm 1-2 năm. Thì Aquila là khoảng 6-8 tháng. Điều đó cho thấy nhu cầu quá lớn từ khách hàng toàn cầu. Trong 6 năm qua, họ đã giao được 300 con thuyền. Tức một năm trung bình gần 50 chiếc, một mức độ khá là “khủng” trong ngành.
Anh có thể cho biết điều gì khiến SYMC quyết định đầu tư xây dựng bến đậu du thuyền (marina) chuyên nghiệp tại Phú Mỹ Hưng?
Nằm trong hệ sinh thái dịch vụ của SYMC. Bến du thuyền là một phần không thể thiếu cho chiếc du thuyền của bạn. Hiện nay, số lượng bến đậu chất lượng cho du thuyền tại TP. HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đa phần chúng lại là bến dành cho tàu thương mại. Nó thường tạo nên sóng lớn khi ra vào nhiều, tạo nên va chạm và dễ gây hư hỏng lớp sơn của du thuyền. Trên thế giới, người ta không bao giờ xây dựng bến ở nhánh sông lớn. Mà tạo giải pháp tránh sóng ở nhánh nhỏ hơn. Tương tự như bạn sở hữu chiếc Rolls-Royce, bạn sẽ không đậu nó ven đường cao tốc.
Bán du thuyền là điều ai cũng làm được. Nhưng cái khó nhất của việc sau khi khách hàng mua du thuyền nằm ở 4 điểm. Đó là Bến đậu, bảo dưỡng, vận hành, và cho thuê. Chúng tôi tự tin có kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật, dịch vụ để có thể hoàn thiện hệ sinh thái từ du thuyền đến bến du thuyền.
Du thuyền muốn phát triển cần phải có cả hệ sinh thái: Mua bán – khai thác – dịch vụ – bảo dưỡng
Đó là lý do chúng tôi đầu tư vào bến du thuyền tại Phú Mỹ Hưng. Đây sẽ là bến du thuyền đúng nghĩa cho những ai đam mê tàu thuyền, dự kiến khai trương vào tháng 10 tới. Chúng tôi sẽ xây dựng một quần thể tích hợp mọi tiện nghi cho trải nghiệm gia đình. Như là: Country Club, Cigar Lounge, nhà hàng, spa, khu vui chơi trẻ em… Về địa điểm thì bến marina này nằm ngay khu trung tâm Phú Mỹ Hưng. Vị trí đối diện The Panorama, cực kỳ lý tưởng cho cư dân nội thành.
Về mặt bảo dưỡng.
Chúng tôi có công ty chị em với SYMC là DLV Corporation, trực thuộc SAMASER Holdings. Với kinh nghiệm vận hành từ năm 1986 đến nay của đội ngũ kỹ thuật thì đây hoàn toàn là điều không khó. Mạng lưới hệ thống bảo dưỡng của chúng tôi hiện trải dọc từ Nam ra Bắc, từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng đến Hạ Long.
Riêng về vận hành và cho thuê. Chúng tôi có những hợp đồng mua bán và cam kết 2 năm lợi nhuận cho khách khi hợp tác dịch vụ cho thuê, vận hành sự kiện trên thuyền. Có thể nói, SYMC không đơn thuần là công ty bán du thuyền. Mà là công ty về trải nghiệm lối sống du thuyền.
Anh nhận định ra sao về thị hiếu của người chơi du thuyền tại Việt Nam?
Trở ngại lớn nhất đối với người sử dụng du thuyền trong nước hiện nay là quan niệm về chi phí đầu tư ban đầu. Người ta thường mua tàu cũ để tiết kiệm. Nhưng chi phí vận hành và bảo dưỡng rất cao. Điều này cũng giống như thị trường xe hơi vào những năm đầu của thập niên 2000 – đa phần là xe cũ. Khi mà các hãng xe lớn chưa thâm nhập vào thị trường nội địa.
Tiếp đến là họ thiếu tư vấn mua du thuyền phù hợp mục đích sử dụng và nhu cầu của mình. Nếu như xe hơi có khoảng gần 20 loại khác nhau, với 30-40 nhà sản xuất lớn trên thế giới. Thì du thuyền có hơn 50 loại và 100-200 hãng lớn toàn cầu. Tôi tin rằng nếu được tư vấn và định hướng đúng. Người dùng sẽ nhận ra ưu thế của việc sở hữu chiếc du thuyền mới. Không chỉ phù hợp với nhu cầu giải trí cá nhân. Mà còn có chi phí vận hành vừa phải, hợp lý. Thậm chí sẽ là khoản đầu tư sinh lợi tốt.
Còn rào cản đến từ thị trường?
Thực trạng hiện nay ở Việt Nam, các cơ quan quản lý xem du thuyền như tàu thương mại. Đối với ngân hàng, bạn thường sẽ bị từ chối khi vay với mục đích mua du thuyền. Hoặc sau khi mua du thuyền rồi thì không thể dùng làm tài sản thế chấp. Cơ chế nội địa nên phân biệt rõ bản chất du thuyền và tàu thương mại khác nhau. Để thay đổi và thiết lập hệ thống phân cấp riêng dành cho du thuyền.
Muốn đưa du thuyền ra nước ngoài như Thái Lan. Bạn phải gắn thêm đầy đủ trang thiết bị điều khiển theo đúng chuẩn một con tàu thương mại với chi phí rất cao. Nhưng các tính năng bảng điều khiển của du thuyền trên thế giới đã được cố định sẵn, rất khó để thay đổi. Điều này tạo rào cản để hội nhập với ngành du thuyền quốc tế.
Du thuyền là sản phẩm chủ lực giúp phát triển ngành du lịch, không phải du lịch đơn thuần mà là du lịch cao cấp.
Dù vậy, tiềm năng thị trường du thuyền ở Việt Nam vẫn rất lớn?
Đúng vậy. Trên thế giới, ngành đóng tàu thương mại đang ngày một thu nhỏ. Nhưng ngành đóng du thuyền lại cực kỳ phát triển. Hiện châu Á có hai trung tâm đóng du thuyền lớn là Đài Loan và Thái Lan. Thường con tàu sau khi được hoàn thiện phải chạy thử, hay còn gọi là sea trial. Nhưng riêng tại Đài Loan, với hơn 25 kinh nghiệm đóng tàu. Họ vẫn phải đi qua Phuket hay Pattaya để thử tàu. Họ chưa dừng lại ở Việt Nam vì nhiều rào cản khác nhau. Và đó là định kiến mà ta hoàn toàn có khả năng gỡ bỏ.
Bên cạnh đó, du thuyền là sản phẩm chủ lực giúp phát triển ngành du lịch.
Không phải du lịch đơn thuần mà là du lịch cao cấp. Như ta thấy hiện nay, Phuket hay Pattaya ở Thái Lan có rất nhiều ông chủ sở hữu du thuyền và cho khách du lịch thuê. Hình thức này rất phát triển và đem lại nguồn lợi lớn không chỉ cho chủ đầu tư. Mà cho cả ngành du lịch địa phương.
Đồng thời, sự tăng trưởng lớn nhất cho ngành du lịch thế giới vẫn đến từ nguồn khách Trung Quốc. Chúng ta nên bỏ qua những mặt tiêu cực thường được truyền thông đề cập về khách Trung Quốc. Bỏ định kiến để hướng tới thị trường cực kỳ rộng lớn. Sở hữu một tầng lớp cao cấp đủ sánh tầm với Mỹ và châu Âu.
So với Trung Quốc và Thái Lan, nước ta có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Hoàn toàn hội đủ yếu tố để cạnh tranh được với các nước bạn. Điểm mấu chốt là ta phải tìm được mô hình đúng đắn. Và có sự hậu thuẫn về cơ chế mở từ phía Nhà nước.
Cơ hội nào để cộng đồng du thuyền trong nước kết nối với cộng đồng quốc tế?
Đó là bài toán du lịch mà tôi nhắc đến ở trên. Nếu Việt Nam là một điểm đến cho cộng đồng du thuyền quốc tế. Chúng ta sẽ có nguồn lợi lớn từ các hoạt động du lịch. Như mua sắm, khám phá, và trải nghiệm trên bờ trong thời gian đợi tàu hoàn thiện bảo dưỡng. Điều này hoàn toàn không khó. Nó không chỉ mang lại giá trị cao cho nền kinh tế nội địa khi kết hợp công nghiệp nặng với du lịch cao cấp. Mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để cộng đồng trong nước có thể kết nối với cộng đồng du thuyền quốc tế.
Với tiềm năng hiện hữu ở thị trường trong nước, tôi hoàn toàn tin rằng, khởi đầu từ tiếp cận với dòng du thuyền catamaran. Thị trường du thuyền trong nước ngày càng phát triển nhộn nhịp hơn. Chúng ta sẽ được cập nhật thêm những sản phẩm mới để sớm hòa nhập với xu hướng thế giới. Trên cơ sở đó, ta có thể thuyết phục không chỉ khách hàng có nhu cầu sở hữu du thuyền. Mà còn tác động lên các cơ chế quản lý. Để tạo thêm cơ hội đẩy mạnh ngành du thuyền nói riêng và du lịch nói chung thêm nhiều bước tiến mới. Dù rằng vẫn là bài toán con gà và quả trứng. Nhưng tôi tự tin là chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết được.
Cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh và Saigon Yacht & Marina ngày một vươn xa trên hành trình của mình.
Nguồn : Luxuo.vn
SAIGON YACHT & MARINA
Website: https://saigonyacht.com
Facebook: https://www.facebook.com/SaigonYachtMarina
Hotline: (+84) 909 090 833